Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam làm Chủ tịch Hội đồng
Hội đồng do Phó Chủ tịch UBND thành phố TS. Lê Quang Nam làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng gồm: GS.TS Nguyễn Thế Hùng – Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, PGS.TS Hồ Sĩ Tâm – Trường ĐH Thủy lợi, ThS. Huỳnh Trọng Thắng – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng, ThS. Nguyễn Văn Vĩ – Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, TS. Nguyễn Văn Hiệu - Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và các phòng, đơn vị thuộc Sở KH&CN.
Thực hiện Quyết định số 3640 ngày 11/11/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021, trong đó có đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn trước thiên tai do sạt lở đất và lũ quét gây ra cho khu vực miền núi và cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan", đề tài đặt hàng của thành phố dựa trên một số nhu cầu cấp thiết trong việc tìm kiếm các giải pháp đảm bảo an toàn trước thiên tai do sạt lở đất và lũ quét gây ra tại thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan. Hết thời gian thực hiện thông báo tuyển chọn, có hai đơn vị đăng ký nộp hồ sơ thực hiện đề tài là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Thị Thu Hiền đại diện đơn vị Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng trình bày thuyết minh nhiệm vụ
Hiện nay, tình trạng sạt lở đất và lũ quét có nguy cơ xảy ra rất cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời tiết cực đoạn, làm phá vỡ các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, làm thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng cho quá trình sản xuất và đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp đảm bảo an toàn trước thiên tai do sạt lở đất và lũ quét gây ra là rất cần thiết.
TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên trình bày thuyết minh nhiệm vụ
Mục tiêu nghiên cứu chính của đề tài là: Đánh giá và phân vùng sạt lở phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững cho thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thời tiết cực đoan; Đề xuất được giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phòng tránh sạt lở đất và đảm bảo an toàn cho người dân cùng các công trình giao thông thủy lợi khi tập trung vào các hồ chứa nước lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Xây dựng được 01 mô hình thí điểm hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét.
Tại buổi tuyển chọn, đại diện các đơn vị đã trình bày những nội dung dự kiến thực hiện nghiên cứu đề tài. Để được thực hiện đề tài và đúng với nội dung, các mục tiêu, sản phẩm dự kiến, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên xây dựng các nội dung nghiên cứu riêng cho đề tài và Hội đồng đã đánh giá, đóng góp ý kiến.
Qua đánh giá, xét duyệt và chấm điểm của Hội đồng, Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên là đơn vị có số điểm cao nhất, phù hợp với quy định và được Hội đồng chọn chủ trì thực hiện đề tài.
Xuân Bình