Tìm kiếm

 

Khoa học và công nghệ trong xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh
Người đăng tin: Anh Đức Võ Ngày đăng tin: 02/01/2022 Lượt xem: 165

Thành phố Đà Nẵng, là một trong năm thành phố lớn của Việt Nam và là trung tâm kinh tế văn hóa chính trị của miền Trung, với quy mô dân số không lớn (khoảng 1,14 triệu dân), có tổng GRDP đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 khoảng 1,569 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,622 tỷ USD, nằm trong chuỗi các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ năng động và đang phát triển. Những năm qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24.01.2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.


Ðà Nẵng bước vào năm 2021 với vai trò là thành phố động lực của khu vực miền Trung. Những kết quả bước đầu trong xây dựng thành phố thông minh mở ra nhiều cơ hội mới, tạo đà để Ðà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị với mục tiêu trọng tâm hướng đến sự tiện lợi, kết nối doanh nghiệp, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Ðà Nẵng xác định xây dựng thành phố thông minh là bước tiếp theo của chính quyền đô thị, trong đó công nghệ thông tin - truyền thông được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại, dựa trên dữ liệu, thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích, hỗ trợ ra quyết định. Từ năm 2018, thành phố Ðà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu cụ thể: đến năm 2020, sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng; đến năm 2030, thông minh hóa ứng dụng cộng đồng, theo đó khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh tập trung vào sáu trụ cột chính, gồm: quản trị thông minh; kinh tế thông minh; môi trường thông minh; đời sống thông minh; giao thông thông minh và công dân thông minh.

 


Hình 1. TS. Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng ký kết thoả thuận hợp tác

 

Tại Đề án nêu trên, ngành Khoa học và công nghệ được UBND thành phố giao hai nhiệm vụ chính: 1. Tham mưu thành phố ưu tiên lựa chọn các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học có kết quả, sản phẩm có thể ứng dụng ngay hoặc phù hợp với định hướng xây dựng Thành phố thông minh và 2. Sử dụng các kết quả, đặc biệt là dữ liệu của các chương trình, dự án trong Đề án này để thúc đẩy triển khai khởi nghiệp, sáng tạo.

 

1. Nhận thức được vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đã ưu tiên tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phục vụ quản trị thông minh1; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như trong hoạt động sản xuất của nhiều ngành khác nhau phục vụ giao thông thông minh2; ngoài ra còn phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại bảo tàng phục vụ du lịch; phát triển các sản phẩm phần mềm phục vụ hỗ trợ, quản lý du khách; giám sát và vận hành lưới truyền tải điện, truyền thông...

 

Hàng năm UBND thành phố đã gia tăng số lượng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã thực sự góp phần tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, thúc đẩy chuyển đổi số... phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.

 


Hình 2. TS. Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ký kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

 

Ngoài việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, Sở Khoa học và Công nghệ cũng chủ động tổ chức làm việc với Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và ký kết thỏa thuận hợp tác, tạo điều kiện cho các nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, gắn nghiên cứu phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp, ưu tiên cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin.

 

2. Đối với lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong thời gian qua thành phố đã có nhiều nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bước đầu đã xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi và cơ sở pháp lý để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp; hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố với nhiều thành tố (06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo, 09 khu làm việc chung, 04 quỹ đầu tư, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...), thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng và xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng trong năm 2021; hợp tác quốc tế được duy trì và mở rộng kết nối thêm đối tác mới (năm 2021 đã kết nối thêm mới với đối tác Ấn Độ, Singapore, Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Hiệp Hội các thị trưởng nói tiếng Pháp) làm tiền đề hợp tác sâu rộng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau đại dịch; đặc biệt, đã hỗ trợ trực tiếp các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ gián tiếp thông qua các chương trình ươm tạo. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, có 02 chương trình ươm tạo. Đây là hoạt động hỗ trợ kịp thời, thiết thực, tác động trực tiếp và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay. Đến nay, đã có 137 dự án và trên 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành thông qua các chương trình ươm tạo và hỗ trợ.

 

Mô hình hợp tác công tư được đẩy mạnh để huy động nguồn lực xã hội phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hợp tác hỗ trợ Tập đoàn Vicoland hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm 200 tỷ đồng, khai thác cơ sở vật chất, nguồn lực của tư nhân phục vụ ươm tạo và không gian làm việc (Vicoland, DNES, Vườn ươm Sông Hàn...).

 

Có thể thấy, môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá thuận lợi, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố tiếp tục được phát triển, từ đó đã tạo ra và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao dựa trên mô hình kinh doanh mới và giải pháp công nghệ, gọi được vốn đầu tư từ hàng trăm nghìn USD đến hàng triệu USD và có thêm sản phẩm được thương mại hóa như xe máy điện Datbike (gọi vốn được 2,6 triệu USD), ứng dụng trí tuệ nhân tạo Chatbot Hekate (gọi vốn được 0,3 triệu USD) phục vụ tổng đài 1022 của thành phố, tổng đài thông minh EM and AI (gọi vốn được 0,8 triệu USD), nền tảng thương mại Unibag, ứng dụng mua sắm Cashbag có trên 1,2 triệu lượt người dùng cài đặt sử dụng...

 

Một số các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 như Công ty Châu Đà đã giải mã công nghệ chế tạo ra máy sản xuất khẩu trang chỉ trong vòng 15 ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 để kịp thời đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, hay như Công ty Việt An đã liên kết cơ sở nghiên cứu của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Nẵng để thương mại hóa sản phẩm nano bạc làm dung dịch sát khuẩn chống dịch, Công ty VPBO đã cung cấp giải pháp nhắn tin xếp lịch tiêm chủng vacxin, tổng đài truy vết F0 và F1, cách ly F0 và F1 tại nhà, Công ty Chuyển Đổi Số đã nắm bắt xu hướng chuyển đổi số để khởi nghiệp bằng cách cung cấp các giải pháp công nghệ triển lãm thực tế ảo Vr360 cho các khách hàng trên cả nước... Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiên phong thử nghiệm nền tảng triển lãm ảo trực tuyến của Công ty Chuyển Đổi số để thực hiện Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng - Surf 2020. Hiện nay, nền tảng triển lãm ảo đã được ngành du lịch ứng dụng tham gia kích cầu phục hồi ngành du lịch, ngành khoa học và công nghệ sử dụng để tổ chức Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng - Surf 2021.

 

Từ kết quả trên, Đề án xây dựng thành phố thông minh và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có mối quan hệ hai chiều, liên quan mật thiết, tương hỗ cho nhau. Đối với thành phố, Đề án xây dựng thành phố thông minh đã đưa ra các bài toán đặt hàng, gợi mở các bài toán quản trị, dịch vụ công cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chiều ngược lại, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội được tham gia giải quyết bài toán lớn, nhà nước sẵn sàng là khách hàng tiên phong để ứng dụng các giải pháp, dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Để việc sử dụng các kết quả, đặc biệt là dữ liệu của các chương trình, dự án trong Đề án này để thúc đẩy triển khai khởi nghiệp, sáng tạo như nhiệm vụ đặt ra, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

 

- Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, hệ sinh thái số phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

- Thứ hai là quan tâm phát triển không gian việc làm như Dự án Khu làm việc và Đào tạo khởi nghiệp, Khu Công viên phần mềm số 2... để cung cấp hạ tầng, không gian làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

- Thứ ba là hàng năm thành phố cần có danh mục, bài toán cụ thể để mời gọi hoặc tổ chức các cuộc thi cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia giải quyết.

 

- Thứ tư là nhà nước cần tiên phong thử nghiệm các dịch vụ và sản phẩm mới và hỗ trợ nhân rộng các giải pháp, dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

- Thứ năm là nhà nước cần tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hiện có để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp, sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến, kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ, kết nối đầu tư và thương mại hóa sản phẩm.

 

Đà Nẵng dẫn đầu cả nước trong 11 năm liên tiếp (2009 - 2019) về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index). Cuối năm 2020, Ðà Nẵng vinh dự đón nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2020” (Vietnam Smart City Award 2020). Tháng 4.2021, Tổ chức Chiến lược Eden (Singapore) - Tổ chức nghiên cứu về vai trò của chính quyền thành phố - động lực chính cho sự phát triển thành phố thông minh dựa trên 10 chỉ tiêu đánh giá gồm: tầm nhìn, lãnh đạo, ngân sách, chính sách thu hút đầu tư, chương trình hỗ trợ, nhân lực, người dân làm trung tâm, chính sách thông minh và tính hiệu quả đã công bố ấn phẩm Top 50 Chính quyền thành phố thông minh hàng đầu năm 2020/2021, theo đó, Đà Nẵng được đánh giá là một trong 30 thành phố thông minh mới nổi toàn cầu, đã đưa ra các sáng kiến thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo.

 


Hình 3. Triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Surf 2021 trên nền tảng thực tế ảo

 

Trong giai đoạn tiếp theo, ngành khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và các ngành để góp phần cùng chính quyền thành phố xây dựng Ðà Nẵng trở thành đô thị quốc gia, hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh, phát triển theo hướng kinh tế tri thức, là trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng, là trung tâm kinh tế đóng vai trò động lực tăng trưởng và phát triển của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

TS. Lê Đức Viên
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

 

CHÚ THÍCH

1 Triển khai điện toán đám mây mã nguồn mở tại Trung tâm Dữ liệu thành phố; xây dựng hệ thống dự phòng và phân tải cho hệ thống Cổng thông tin điện tử trên nền tảng chính quyền điện tử Egov Platform; xây dựng giải pháp điện thoại Internet đến Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng để hỗ trợ miễn phí điện thoại cho người dân; phát triển thiết bị phần cứng Firewall tốc độ cao; xây dựng mô hình kết nối các hệ thống camera trên địa bàn thành phố; xây dựng bộ chỉ dẫn kỹ thuật cho hệ thống camera giám sát lỗi vi phạm giao thông...

 

2 Quản lý và khai thác dữ liệu hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng trên nền tảng bản đồ số 4D; xây dựng hệ thống phát hiện vật ngoại lai và động vật trên khu bay; xây dựng hệ thống thông tin tín hiệu thông minh đường ngang đường sắt kết hợp thiết bị trợ giúp người lái tàu

 

Các hình ảnh trong bài viết được Ban biên tập bổ sung nhằm minh họa nội dung bài viết

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Niên giám Thống kê 2016 - 2020.

 

2. Báo cáo tổng kết ngành KHoa học và Công nghệ năm 2020.

 

3. Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Ban hành kèm Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 29.12.2018 của UBND thành phố Đà Nẵng).

 

4. Anh Ðào. “Thành phố thông minh - nền tảng phát triển cho Ðà Nẵng”. https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thanh-pho-thong-minh-nen-tang-phat-trien-cho-a-nang-630315/, 01.01.2021.

 

5. Hoàng Anh. “Đà Nẵng nằm trong top 30 thành phố thông minh mới nổi”. https://baodautu.vn/da-nang-nam-trong-top-30-thanh-pho-thong-minh-moi-noi-d140441.html, 02.4.2021.


Video video

Thư viện hình ảnh Thư viện hình ảnh

Liên kết web Liên kết web

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: Tầng 22, Trung tâm Hành chính - số 24 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (84.236) 3830214; Fax: (84.236) 3822864

E-mail: skhcn@danang.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

0 2 7 6 4 0 7 2 3

Bản quyền Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng

Giấy phép: số 388/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cấp ngày 03/5/2017

Trưởng ban biên tập: Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng

Đăng nhập