Thành phố Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng không ngừng được mở rộng. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO gồm 7 lĩnh vực sáng tạo: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, truyền thông và âm nhạc. Tính đến nay, mạng lưới có tổng số 246 thành viên, trong đó Trung Quốc có 14 thành phố, Hàn Quốc có 10 thành phố, Nhật Bản có 9 thành phố, khu vực ASEAN có 10 thành phố, trong đó có Hà Nội (gia nhập từ tháng 10-2019).
Việc được công nhận thành phố sáng tạo là cơ hội tốt để địa phương tiếp tục quy hoạch, phát triển thành phố dựa trên ý tưởng của UNESCO về văn hóa, giáo dục, khoa học, góp phần củng cố hòa bình thế giới; đồng thời quảng bá hình ảnh của địa phương với nhiều loại hình văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi được UNESCO chấp thuận việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, các thành phố phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch quảng bá danh hiệu và chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất của mình.
Sớm nhận thấy lợi ích và ý nghĩa quan trọng của việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, từ năm 2012, các cán bộ trẻ của Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và đề xuất ý tưởng Đà Nẵng tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Cuộc thi Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng lần thứ 2 - năm 2012 do CLB Cán bộ trẻ thành phố tổ chức và đạt giải Ba.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc xúc tiến để Đà Nẵng tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO chưa được triển khai trong thời gian qua. Điều này cũng cho thấy, khoảng cách giữa việc nghiên cứu và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là nhận thức, truyền thông và thời gian vận động xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần sớm đẩy nhanh tiến độ tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vì các lý do sau.
Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Đà Nẵng đang bước đầu hướng tới xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, việc tham gia mạng lưới là phù hợp với định hướng phát triển thành phố trong thời gian đến, giúp thành phố có cơ hội kết nối học hỏi được những kinh nghiệm, mô hình hay của các thành phố sáng tạo khác trên thế giới một cách nhanh nhất.
Thứ hai, việc tham gia mạng lưới sẽ phát huy thế mạnh du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa sáng tạo phong phú. Việc được công nhận là thành phố sáng tạo theo tiêu chuẩn của UNESCO sẽ là cơ sở để thành phố vươn tới lĩnh vực sáng tạo khác trong công nghiệp sáng tạo đó là sáng tạo công nghệ cao.
Thứ ba, thương hiệu của Đà Nẵng sẽ được lan tỏa thông qua mạng lưới 246 thành phố sáng tạo của UNESCO để mang tính toàn cầu hơn; các di sản thiên nhiên (Phong Nha Kẻ Bàng - Quảng Bình), di sản văn hóa (quần thể di tích Cố đô Huế - Thừa Thiên Huế, Hội An và khu di tích Chăm Mỹ Sơn - Quảng Nam) của UNESCO ở miền Trung kết nối với Đà Nẵng là một thành phố phát triển theo hướng đô thị sáng tạo của UNESCO.
Thứ tư, việc tham gia mạng lưới thể hiện cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển thành phố với cộng đồng quốc tế; thành phố có thể khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn sáng tạo vô tận của con người trong kỷ nguyên nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ năm, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ tháng 10-2019, từ đó đã có nhiều hoạt động để làm nổi bật hình ảnh và vị thế của thủ đô trên bình diện trong nước và quốc tế. Đây là kinh nghiệm thực tiễn quý báu tại Việt Nam để Đà Nẵng tham khảo trong thời gian đến.
Hiện UNESCO mở đăng ký cho các nước nộp hồ sơ 2 năm/lần, trong đó mỗi quốc gia được phép nộp tối đa 2 hồ sơ. Năm 2021, UNESCO sẽ nhận đơn trước ngày 30-6 và sẽ công bố kết quả xét duyệt đơn vào tháng 11. Việc thành phố hoàn thiện sớm hồ sơ trong năm nay để UNESCO xem xét chấp nhận gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo là bước tiền đề quan trọng để thành phố có sự chuẩn bị chương trình truyền thông thương hiệu thành phố trên bình diện trong nước và quốc tế cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19 của Việt Nam và thế giới.
Do thời gian tham gia nộp hồ sơ trong năm 2021 không còn nhiều, Đà Nẵng phải cạnh tranh với các địa phương khác, vì thế thành phố cần hết sức quan tâm, tập trung nghiên cứu cũng như tham vấn các chuyên gia có kinh nghiệm để chọn một trong bảy lĩnh vực thành phố sáng tạo của UNESCO để hoàn thiện hồ sơ. Thành phố nên nghiên cứu tham gia lĩnh vực có nội hàm gắn với đô thị sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như lĩnh vực thiết kế để phù hợp với chủ trương định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới.
TS. LÊ ĐỨC VIÊN
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
(Trích nguồn: Báo Đà Nẵng)