Một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được Thành phố phê duyệt quy hoạch cho đầu tư xây dựng và đã đưa vào vận hành là Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ Đà Nẵng (Trung tâm NC&TK CNBX ĐN). Trung tâm NC&TK CNBX ĐN do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đầu tư xây dựng trên diện tích 105,900 m2 tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ,.. vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Nhà máy chiếu xạ Đà Nẵng
Như chúng ta đã biết, công nghệ bức xạ là quá trình xử lý bằng bức xạ liên quan tới các biến đổi hóa – lý, lý – sinh khi vật chất hấp thu bức xạ năng lượng cao. Quá trình này xảy ra từ thời điểm khoảng 10-15 giây sau khi các hạt bức xạ đi qua vật chất, tạo ra các ion và các hạt ở trạng thái kích thích tới thời điểm các phản ứng hóa học hoàn thành.
Từ nhiều năm nay, công nghệ bức xạ trở thành công cụ đổi mới trong công nghiệp, làm tăng hiệu quả công nghiệp, tăng năng xuất lao động, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong các ngành công nghiệp như lĩnh vực bán dẫn và vi điện tử, các máy gia tốc ion (máy cấy ion) có thể tạo ra vi mạch với kích thước dưới 0,1 mm hay trong vật liệu sợi Composit SiC là loại vật liệu sử dụng trong kỹ thuật hàng không và vũ trụ được xử lý bằng bức xạ, có thể chịu tới nhiệt độ 1800 ͦc, trong khi xử lý bằng nhiệt độ chỉ chịu được 1200 ͦc. Trong công nghiệp sản xuất dụng cụ y tế, 40% đến 50% sản phẩm được khử trùng bằng công nghệ bức xạ. Dự báo trong những năm tới tỉ lệ này có thể đạt tới 80%.
Trong thực phẩm, chiếu xạ được sử dụng để làm giảm hoặc loại bỏ các nguy cơ gây bệnh do thực phẩm sinh ra. Tùy thuộc và liều lượng, một số hoặc tất cả các mầm bệnh sinh vật, vi sinh vật, vi khuẩn, virus có trong thực phẩm sẽ bị phá hủy hoặc trở nên không có khả năng sinh sản. Chiếu xạ cũng được làm giảm tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh việc làm giảm các tác nhân gây bệnh, thì chiếu xạ cũng tác động tới các tế bào, làm chậm tốc độ tác động của các enzym vốn được sản sinh ra trong quá trình tự nhiên và là tác nhân có thể làm thay đổi thực phẩm. Do đó làm chậm quá trình hư hỏng, chín hay mọc mầm của rau củ quả.
Bên cạnh việc thanh trùng thực phẩm, khử trùng dụng cụ y tế là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất của công nghệ bức xạ. Trong một vài năm tới, tỷ lệ dụng cụ y tế được xử lý bằng bức xạ có thể đạt tới 80%, vì xử lý bằng khí Ethylenoxid sẽ bị loại bỏ do phương pháp này còn tồn dư khí độc sau xử lý. Nguồn bức xạ chủ yếu sử dụng để khử trùng dụng cụ y tế là tia gamma phát ra từ nguồn Co-60 và chùm electron được gia tốc. Với công nghệ tiệt trùng dụng cụ y tế truyền thống (phương pháp hoá, xử lý nhiệt), người ta chưa có khả năng tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật có hại mà chỉ có khả năng giảm xác xuất lây nhiễm của chúng. Nhưng dưới tác dụng của bức xạ, ta có thể tiêu diệt gần như hoàn toàn vi trùng, làm mất khả năng sinh sản của chúng. Ngoài ra, sử dụng công nghệ chiếu xạ tiêu tốn năng lượng thấp hơn so với xử lý nhiệt, có thể xử lý các vật liệu dễ bị biến dạng do nhiệt, có thể xử lý liên tục, tự động hoá và không thải ra môi trường khí thải, hoá chất độc hại như phương pháp hoá.
Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 10 dây chuyền chiếu xạ, nhưng chủ yếu chỉ tập trung các tỉnh miền Bắc và Nam. Trong đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ chiếu xạ. Đây là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ chiếu xạ vào Việt Nam với việc thành lập 02 đơn vị trực thuộc nhằm tiếp cận và phát triển công nghệ này đó là Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC) và Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ (Trung tâm Vinagamma). Đến nay, các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bưc xạ.
Việt Nam, với nền kinh tế hội nhập hiện nay, muốn xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi, thực phẩm đông lạnh hoặc thực phẩm khô sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu… phải được chiếu xạ. Đặc biệt các mặt hàng trái cây của nước ta như: thanh long, xoài, nhãn, vải được rất nhiều nước khu vực châu Âu ưa chuộng, nhưng phải áp dụng biện pháp chiếu xạ như là một biện pháp kiểm dịch bắt buộc.
Từ những nhu cầu cấp thiết cho việc phát triển kinh tế, UBND thành phố Đà Nẵng, các cơ quan ban ngành, đặc biệt Sở Khoa học công nghệ Đà Nẵng đã gấp rút tiến hành triển khai dự án, cấp đất cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để tiến hành xây dựng Cơ sở nghiên cứu tại Đà Nẵng với trong tâm của giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng dây chuyền chiếu xạ đầu tiên của miền Trung và Tây Nguyên.
Đến nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hoàn thành nhà chiếu xạ và lắp đặt dây chuyển chiếu xạ công nghiệp VINAGA1sử dụng nguồn Colbalt-60 với hoạt độ ban đầu 200 kCi (kilo Curie) với công suất chiếu xạ đạt 40 tấn hàng nông sản, thuỷ hải sản một ngày. Đối với các sản phẩm y tế, Viện có thể chiếu xạ từ 3 – 10 m³ / ngày. Đây là dây chuyền hoàn toàn do Trung tâm nghiên cứu và Triển khai Công nghệ bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thiết kế chế tạo. Qua vài tháng đưa vào khai thác, hiện đã có một số công ty và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thuỷ hải sản và các doanh nghiệp sản xuất dụng cụ y tế trên địa bàn Đà Nẵng và các địa phương lân cận đã đến hợp đồng chiếu xạ sản phẩm.
Khu vực chiếu xạ sản phẩm
Dây chuyền chiếu xạ hàng hóa
Trước đó, các cơ sở doanh nghiệp muốn chiếu xạ các mặt hàng, sản phẩm y tế, nông sản đều phải vận chuyển vào các tỉnh phía Nam như ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… để chiếu xạ. Qúa trình này làm tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc vận chuyển sản phẩm đi chiếu xạ có thể dẫn đến nhiều rủi ro như sản phẩm bị hư hỏng, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp…
Việc xây dựng dây chuyền chiếu xạ tại Đà Nẵng đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như:
- Giải quyết việc làm cho người dân trong vùng;
- Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản, thuỷ hải sản cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận;
- Giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả và giá thành cạnh tranh hơn so với các phương pháp truyền thống, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền trung và tây nguyên;
- Góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy nhanh tốc độ phát triển khoa học công nghệ cho thành phố…
Bên cạnh các dịch vụ triển khai, dây chuyền chiếu xạ Đà Nẵng hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học và kỹ thuật hạt nhân tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Xuân Bình